Đường dây nóng: (+84-28) 38 653 050
Câu chuyện về chiếc áo Bác mặc ngày Quốc khánh

Câu chuyện về chiếc áo Bác mặc ngày Quốc khánh

Bác Hồ của chúng ta vốn là người giản dị. Hình ảnh Bác cao lồng lộng và thật vĩ đại nhưng trong sinh hoạt đời thường cũng như khi Bác xuất hiện thật gần gũi và ấm áp. Bác thật quen thuộc trong bộ áo quần kaki bạc màu, cổ sờn, ve áo hơi tù. Hiện tại Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam vẫn lưu giữ bộ quần áo đó, bộ quần áo Bác Hồ đã mặc trong ngày 2/9/1945, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 23/8/1945, Hồ Chủ tịch về đến thôn Gạ (Phú Thượng, Hà Nội), nghỉ ở đây một ngày. Hôm sau Người được Trung ương và Thành uỷ bố trí đến ở tại gác hai số nhà 48, Hàng Ngang (nhà của ông Trịnh Văn Bô, một thương gia yêu nước, cơ sở tin cậy của Cách mạng). Về đến Hà Nội, Bác gầy và yếu (sau trận ốm và phải đi xa), nhưng những người xung quanh vẫn thấy đôi mắt của Người luôn sáng rực.

Bà Trịnh Văn Bô, nữ chủ nhân của ngôi nhà 48 Hàng Ngang lịch sử, kể: “Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Hàng ngày lúc 7h, ông Vũ Đình Huỳnh đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc đến chiều mới về 48, Hàng Ngang. Buổi tối, Bác thường bận vì phải hội kiến làm việc với các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt… Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của ông cụ mới tắt nhưng 5h hôm sau đã thấy ông cụ tập thể dục ngoài ban công”.

Sau này, bà Bô mới biết, khi tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là lúc Bác Hồ thảo Bản hùng văn vô giá – Bản Tuyên ngôn lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam.

Thời gian này Hà Nội đang chuẩn bị cờ hoa và cả vũ khí cho ngày trọng đại sắp tới. Bước sang tuổi 91 nhưng bà Bô vẫn nhớ rõ những năm tháng hào hùng đó. Vào khoảng những ngày 26 – 27/8 tức là khi đã ấn định Lễ Tuyên ngôn vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều ăn mặc những đồ đã cũ sờn hoặc chắp vá tạm.

Bà Bô bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ trong tủ nhà chúng tôi có rất nhiều vải (bà Bô là nhà buôn vải), tôi lấy ra mấy tấm vải kaki để may cho anh em. Trong tủ có vài chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm trước. ông Phạm Văn Đồng, rồi ông Võ Nguyên Giáp… ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy. Nhưng tầm người như Bác Hồ không bộ nào hợp cả”.

Gần sát ngày lễ ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng loại vải kaki cốt lê của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt”.

Lúc đó, ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Xtalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: “Nhưng mình có phải là Xtalin đâu”. Bác luôn học hỏi tinh hoa nhưng không chấp nhận bắt chước khuôn mẫu sẵn.

Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh, chủ hiệu may có tiếng ở phố Hàng Quạt tới và trình bày: “Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo  thoải mái, đi giày, đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi”. Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc dè dặt nói: “Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?”.ông Phú Thịnh ngắm nghía tấm ảnh Xtalin rồi nói: “Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ người nhà mình. Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với cụ lý”.

Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: “Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường”, ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại tình cảm tinh tế của ông thợ may. Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình”. ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên vinh dự khi “cụ lý” mà mình may quần áo cho lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Vườn hoa Ba Đình để khai sinh ra một quốc gia mới – Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Khi nói đến lối sống giản dị thì không ai lại không nghĩ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế ta có thể học tập rất nhiều ở Bác kính yêu lối sống ấy. Bộ quần áo kaki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo, những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”. Thế đấy, cuộc sống giản dị của Bác tuy rất đơn sơ, mộc mạc nhưng toát lên vẻ thanh thoát, lịch lãm mà không kiểu cách của một con người sống vì nước, vì dân suốt cả cuộc đời.

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart