Đường dây nóng: (+84-28) 38 653 050
Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc Khánh 02/9

Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc Khánh 02/9

Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Đức Thọ lên Tuyên Quang đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội. Ngày 22 tháng 8, Bác Hồ rời Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang về Hà Nội. Trên đường, Người nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó, Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Bác, Ủy ban dân tộc giải phóng được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra do Người làm Chủ tịch được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số ủy viên Việt Minh và đảng viên đã tự nguyện rút ra để mời thêm các nhân sĩ ngoài Việt Minh như cụ Nguyễn Văn Tố, ông Nguyễn Mạnh Hà, luật sư Vũ Trọng Khánh tham gia.

Trong suốt thời kỳ chuẩn bị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm vững thời cơ, nhưng đồng thời luôn thấy nguy cơ. Muốn lợi dụng thời cơ thì thời gian là quan trọng, thời gian là lực lượng. Có lợi dụng được thời cơ mới tránh được nguy cơ. Lúc đó, quân Tưởng đã vượt biên giới cùng bọn Việt Quốc, Việt Cách. Chúng đã nêu khẩu hiệu “Diệt cộng, cầm Hồ” (tiêu diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh). Bởi vậy, Bác Hồ chỉ đạo phải khẩn trương chuẩn bị tổ chức ngày độc lập trước khi đại quân của Tưởng tiến vào Thủ đô nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương chọn ngày 02 tháng 9, bởi vì sớm hơn nữa thì chuẩn bị không kịp, lùi lại thì quân Tưởng lúc đó đã đến Từ Sơn (Bắc Ninh). Bác quyết định phải tổ chức cho bằng được một cuộc mít tinh rất lớn có đông đảo nhân dân tham dự, có quân giải phóng, có bộ đội ta ở Hà Nội biểu dương lực lượng, đồng thời mời đại diện quốc tế đến dự. Ngày 02 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, trong cuộc mít tinh của hàng triệu đồng bào Hà Nội và vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định:

“Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Hồ Chí Minh – Tuyên ngôn Độc lập).

“Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” lúc bấy giờ (Trần Dân Tiên – những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày 02 tháng 9 năm 1945 mãi mãi đi vào lịch sử Việt Nam, là ngày hội lớn nhất, vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam. Từ đó, ngày 02 tháng 9 trở thành ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Độc lập tự do – tư tưởng cách mạng chủ yếu của Hồ Chí Minh, mục tiêu đấu tranh trực tiếp của Mặt trận Việt Minh đã thành hiện thực bằng sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ Tân Trào tới Ba Đình lịch sử; từ Chương trình mười điểm của Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời tới Tuyên ngôn Độc lập; từ Quốc dân Đại hội Tân Trào tới Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đó chính là sự phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường chỉ lối. Tiến trình tất yếu đó đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hóa của dân tộc Việt Nam đó là kỷ nguyên độc lập tự do.

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart