Đường dây nóng: (+84-28) 38 653 050
Kỷ niệm 81 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2021): Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm
>
>
>
Kỷ niệm 81 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2021): Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Kỷ niệm 81 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2021): Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

Diễn ra trong một thời gian ngắn (23/11-31/12/1940), song Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Đã 81 năm trôi qua (23/11/1940 – 23/11/2021), nhưng cho đến nay, cuộc khởi nghĩa vẫn còn nguyên giá trị về ý nghĩa lịch sử và bài học sâu sắc.
“Độc lập, tự do hay là chết, lời thề còn vang vọng khắp Nam kỳ”, lời ca hào sảng, khí phách trong bài ca Khởi nghĩa Nam kỳ về những ngày đồng bào Nam bộ đứng lên khởi nghĩa đã in đậm trong tâm trí bao thế người dân Nam bộ suốt 81 năm qua, thể hiện khát vọng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc và phát triển.
Tình hình thế giới và trong nước chuyển biến nhanh chóng từ sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ đã đặt Đảng ta trước yêu cầu phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939) họp tại Bà Điểm – Gia Định do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 11-1940) họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) nhận định: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập. Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng cùng lòng căm thù đế quốc sâu sắc và khí thế cách mạng của quần chúng đã đưa đến chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ.
Ở Nam kỳ, sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến đỉnh điểm, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Không thể chịu đựng nổi cuộc sống nô lệ, lầm than, nhân dân Nam bộ và binh lính sắp bị đẩy ra mặt trận nổi dậy và sôi sục đấu tranh với khí thế: “Khắp lục tỉnh Nam kỳ, từ Đồng Nai cho tới Hòn Khoai, nhân dân ta sát vai một lòng” chủ động tiến hành khởi nghĩa, giành lấy độc lập, tự do. Từ đêm 22 rạng ngày 23-11 đến 31-12-1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều địa phương Nam kỳ, mạnh nhất là ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Lực lượng vũ trang và một bộ phận quần chúng đã nổi dậy tấn công địch ở cấp xã, tập kích nhiều đồn bót, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại. Ở Vĩnh Long, chính quyền cách mạng cấp quận đã được thành lập tại Vũng Liêm. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được giương cao trong các cuộc biểu tình, tấn công đồn bót ở Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bạc Liêu.
Phát huy và lan tỏa hào khí của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Khát vọng vươn lên là mục tiêu, là động lực cần phải có trong mỗi quốc gia khi muốn trở thành một đất nước hùng mạnh, phát triển. Việc giữ vững độc lập, tự chủ, khơi dậy và phát huy ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Đại hội XIII của Đảng đề ra có thể nói là điểm nhấn quan trọng và cũng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam “hóa Rồng”. Đảng đã gắn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi chỉ có chủ nghĩa xã hội mới là chế độ tốt nhất mang lại hạnh phúc cho mọi người. Hạnh phúc ấy do chính con người Việt Nam tạo dựng dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam – một Đảng cách mạng chân chính. Hạnh phúc ấy bắt đầu từ những mục tiêu căn bản nhất, mỗi người dân đều thoát cảnh đói nghèo, được ăn, ở, học hành, có đời sống văn hóa vật chất, tinh thần tốt đẹp, lành mạnh. Từ hạnh phúc căn bản đó mà tạo ra từng gia đình hạnh phúc, xóm làng hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Khát vọng của Đảng cũng chính là mong muốn của mỗi người dân Việt Nam đã được tạo dựng trên những tiền đề quan trọng, đó chính là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới – “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nhất trí, đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của toàn dân tộc, Việt Nam trải qua hơn 30 năm đổi mới đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được củng cố, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trên cơ sở những điều kiện đó, khát vọng trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, được cụ thể hóa qua những dấu mốc quan trọng của đất nước: đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
81 năm trước, nhân dân Nam bộ với cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã làm nên hình ảnh chói ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hình ảnh bất tử của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khát vọng đó tiếp tục được khơi dậy và trở thành động lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart